Vi bằng là gì? Có nên mua đất nền không sổ qua vi bằng thừa phát lại?
Có nên mua đất nền không sổ qua vi bằng thừa phát lại?
Hỏi: Tôi có 400 triệu đồng, thu nhập 15-17 triệu đồng/tháng. Tôi dự định đầu tư đất nền tại huyện Bình Chánh, xây nhà rồi bán lại kiếm lời. Tuy nhiên lô đất nền tôi định mua là đất chưa có sổ đỏ, chỉ có giấy tờ tay, nếu mua sẽ thông qua hình thức lập vi bằng. Xin hỏi, tôi có nên vay thêm tiền để mua lô đất này không?
(Nguyễn Thị Hằng, TP.HCM)
xem thêm
Thủ tục sang tên sổ đỏ, thủ tục sang tên sổ hồng chi tiết nhất năm 2019
Cơ quan, tổ chức nhà nước chậm cấp sổ đỏ bị xử phạt thế nào?
Trả lời:
Xét về mặt đầu tư, tối thiểu bạn sẽ phải bỏ ra 400 triệu để mua lô đất trên, chưa kể các chi phí phát sinh khác.
Trong bối cảnh đất nền đang là một kênh đầu tư rất hấp dẫn thì kỳ vọng lời từ 100-200 triệu đồng cho suất đầu tư này là khả thi. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, đây không phải thời điểm thực sự tốt để đầu tư.
Thứ nhất, cần cân nhắc về hình thức mua bán qua vi bằng. Việc mua đất chưa có sổ hoặc chung sổ với người khác sẽ có rủi ro rất lớn. Việc mua vào có thể dễ dàng nhưng sẽ rất khó bán ra, bởi nhiều người sẽ e ngại mua bán đất chưa có sổ.
Thứ hai, khi bán lại, suất đầu tư mua bán bằng vi bằng khó có thể đạt được giá trị cao, nên cũng khó đạt được mức lợi nhuận kì vọng như khi mua đất có sổ đỏ rõ ràng. Còn nếu bất chấp rủi ro, người mua phải chấp nhận có thể phải chôn vốn dài hạn, mất nhiều thời gian chờ đợi và chi phí phát sinh để bán lại được lô đất.
Nếu dự định mua đất nền chưa có sổ đỏ, nhà đầu tư cần xác định lô đất thuộc loại
đất gì, có thể làm sổ được không, chi phí chuyển đổi ra sao...
Luật sư Phạm Thanh Sơn:
Xét về mặt pháp lý, lô đất bạn định đầu tư có thể rơi vào 1 trong 3 trường hợp:
- Trường hợp 1:
Đất thuộc diện đất ở, được sử dụng lâu dài nhưng chưa thực hiện quá trình cấp sổ và hiện tại chủ đất muốn bán.
- Trường hợp 2:
Đất ở nhưng là đất vườn liền kề, chủ nhà đang sống trên phần đất ở và muốn bán phần đất vườn.
- Trường hợp 3:
Đất ruộng có mục đích sử dụng là đất nông nghiệp, chủ đất muốn bán sang tay với lời mời chào là đất có thể chuyển thành đất ở.
Với trường hợp thứ nhất
Người mua nên ra UBND xã, phường. Tại đây có dịch vụ hành chính công xác minh thông tin tình trạng thửa đất. Thủ tục này sẽ mất một khoản phí nhưng giúp người mua xác định được lô đất định mua là đất gì? Nếu là đất ở nhưng chưa được cấp sổ thì chắc chắn sau này sẽ được cấp sổ nếu ở ổn định, lâu dài không tranh chấp và thực hiện các nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ. Trường hợp này, nhà đầu tư nên mua lô đất.
Với trường hợp thứ hai
do là đất vườn liền kề nên hiện người mua sẽ mua được giá rẻ nhưng chi phí để chuyển đổi thành đất ở khá cao (phí chuyển đổi trung bình tại Bình Chánh từ 10-12 triệu đồng/m2). Trong trường hợp này, nếu mua vào thì rủi ro không quá cao nhưng khá tốn kém, giảm hiệu quả của suất đầu tư, có thể không đạt lợi nhuận như mong đợi.
Với trường hợp thứ 3
loại đất màu, đất lúa về lâu dài cũng sẽ thực hiện việc chuyển đổi nhưng nếu mua viết tay thì rủi ro rất cao, bù lại lợi nhuận cũng rất hấp dẫn. Người mua cần cân nhắc kỹ giữa lợi nhuận và rủi ro để đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, người mua cần lưu ý, riêng với đất nông nghiệp, về mặt pháp lý, mọi hành vi mua bán đều phải đúng đối tượng, nếu không mọi giao dịch mua bán đều vô hiệu.
Thực chất, vi bằng mua bán nhà đất là gì?
Hiện nay, rất nhiều người mua bán nhà, đất qua vi bằng, thường là trường hợp sổ đỏ chung, sổ hồng chung hoặc đất chưa có sổ đỏ hoặc sổ đỏ đang thế chấp ngân hàng…
Vi bằng là gì?
Không ít người mua nhà nhầm tưởng vi bằng do Thừa phát lại lập có thể thay công chứng, chứng thực và cho rằng tồn tại “vi bằng công chứng Thừa phát lại”. Cách hiểu này là hoàn toàn sai lầm. Pháp luật không ghi nhận vi bằng công chứng Thừa phát lại. Chỉ có vi bằng do Thừa phát lại lập và văn bản công chứng do Công chứng viên chứng nhận và đây là hai loại văn bản khác nhau.
Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác, còn văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật Công chứng.
Giá trị pháp lý của vi bằng được quy định tại Điều 28 Nghị định 61/2009/NĐ-CP. Theo đó, vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Vi bằng chỉ ghi nhận nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận và kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác.
Trong giao dịch liên quan đến nhà đất, các bên được Thừa phát lại lập vi bằng, nhưng vi bằng này chỉ ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất. Dùng vi bằng trong mua bán nhà đất là hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.
Vi bằng mua bán nhà đất khiến nhiều người nhầm tưởng là có thể thay công chứng
Những hạn chế đối với vi bằng
Điều 25 Nghị định 61/2009/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2013/NĐ-CP) quy định Thừa phát lại không có quyền lập vi bằng đối với:
- Các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp, như: Giao dịch chuyển nhượng, tặng cho nhà, đất…;
- Các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định 61/2009/NĐ-CP về những việc Thừa phát lại không được làm (những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại…);
- Các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, Thừa phát lại chỉ được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại và vi bằng phải được đăng ký tại Sở Tư pháp thì mới hợp pháp.
Như vậy, thực chất vi bằng chỉ ghi nhận hành vi trao đổi, giao dịch tiền, giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán tài sản, kể cả mua bán nhà, đất. Đó là một bằng chứng chứng minh có thỏa thuận, giao dịch... giữa hai bên, không phải là cơ sở để sang tên đổi chủ cho bên mua.